Điện Biên Phủ là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên ở tây bắc Việt Nam. Thành phố này nằm trong khu thung lũng Mường Thanh với chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng 6 km. Chính vì điều này mà có khi nó còn được gọi là "lòng chảo Điện Biên". Điện Biên Phủ được xem là một thành phố nằm ở biên giới vì chỉ cách biên giới với Lào khoảng 35 km. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474 km theo quốc lộ 279 và 6. Thành phố Điện Biên Phủ phía đông nam giáp huyện Điện Biên Đông, các phía còn lại giáp huyện Điện Biên.
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát). Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H Mông.
Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ...
1. ĐỒI A1
Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở đây thì đến 4h sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.
Ngày nay, đến với Điện Biên Phủ, du khách sẽ thấy trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đao. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ , xung quanh là vòng tường hoa. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.
Đến thăm di tích đồi A1 là du khách đã đến với quả đồi Chiến Công – một địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.
2. NGHĨA TRANG LIỆT SĨ ĐỒI A1
Thật khó diễn tả tâm trạng của mỗi người khi đến với Điện Biên. Có người mong muốn được tận mắt chứng kiến những địa danh, di tích ghi mốc trong lịch sử dân tộc, hiểu hơn sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông làm nên những chiến công lừng lẫy. Cũng có người, là con cháu của các liệt sỹ hy sinh tại chiến trường này tìm về với ước nguyện tìm được thông tin của người thân.
Nghĩa trang liệt sỹ A1, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) vài trăm mét về phía nam, được xây dựng năm 1958.
Năm 1994, Nghĩa trang được đầu tư trên 10 tỷ đồng tu sửa nâng cấp. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.
Từ khi được xây dựng đến nay, Nghĩa trang luôn được trông nom, chăm sóc, bảo vệ, hương khói quanh năm. Những ngày nghỉ, ngày lễ, tết trong năm nhân dân các dân tộc Điện Biên thường đến thắp hương cho vong linh các liệt sỹ; tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng. Không gian Nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp. Hàng ngày, Nghĩa trang mở cửa từ sáng đến chiều tối để đón du khách từ các tỉnh trong nước và quốc tế viếng thăm. Năm 2005, Nghĩa trang có 25.896 lượt người, 7 tháng đầu năm 2006 có trên 10.000 lượt người viếng thăm. Đặc biệt cuối tháng 7/2006 vừa qua, hơn 800 tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn... đã đến cử hành đại lễ cầu siêu vong linh các Anh hùng liệt sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Nghĩa trang liệt sỹ A1 ngày nay như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh để phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện mọi mặt xây dựng quê hương Điện Biên Phủ giàu đẹp. Mặt khác, nơi đây còn là điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Trong những chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Điện Biên hay tour du lịch tham quan di tích lịch sử Điện Biên Phủ của các đoàn, các tỉnh trong nước, Nghĩa trang A1 hiện là điểm đến không thể thiếu đối với họ, đó là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam thể hiện đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”.
3. TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN ĐỒI D1
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tượng đài để kỷ niệm sự kiện trận Điện Biên Phủ năm 1954, là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam vào năm 2004.
Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy. Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng.
Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau.
Ngày 23/2/2004 tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được chia thành 12 phần đã được 11 chiếc xe rơmooc siêu nặng vận chuyển từ Nam Định đưa về thành phố Điện Biên Phủ.
Ngày 1/3/2004, những chiếc xe tải lừng lững phủ vải đỏ tiến vào thành phố Điện Biên trong bạt ngàn cờ hoa, bị vây xung quanh bởi hàng vạn người và đến đồi D1 vào chiều cùng ngày. Tượng đài được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).
4. HẦM CHỈ HUY TƯỚNG ĐỜ CÁT TƠ RI
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Hầm chỉ huy được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc. Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên.
Đứng trên một ngọn đồi cao du khách thể nhìn thấy nóc hầm Đờ Cát. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m, rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.
Đứng trên một ngọn đồi cao ta có thể nhìn thấy nóc hầm Đờ Cát. Tuy nhiên quân đội Việt Nam đã phải chiến đấu vô cùng anh dũng suốt 55 ngày đêm mới có thể chiếm được hầm Đờ Cát.
Ngày nay du khách có thể nhìn thấy mái vòm sắt và các bao cát trên nóc hầm. Trước đây có một đường hào có mái che nối liền hầm tướng Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1. Quân Pháp đã dùng các bao cát và ván gỗ để dựng nên đường hào này.
Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như: thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, thủ tướng Anh Winston Churchill cũng như các nhà báo nổi tiếng. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc.
5. SỞ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ TẠI MƯỜNG PHĂNG
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái…
Để đến đây du khách phải đi bằng ô tô, vượt qua dốc Tà Lơi hiểm trở và nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh. Đến sở chỉ huy, du khách sẽ được thăm:
- Chòi canh gác số 1
- Hầm thông tin liên lạc
- Đài quan sát
- Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
- Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
- Hầm của ban cố vấn Trung Quốc
- Nhà hội trường
- Hầm ban chính trị
6. BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
Điện Biên Phủ không chỉ được biết đến với những danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người, mà còn trở nên nổi tiếng và chinh phục được tình cảm của du khách bởi các di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son bằng vàng, là bài học lịch sử, là niềm tin cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bầy. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề sau:
- Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ
- Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ
- Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ
- Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ
- Điện Biên Phủ ngày nay
Dự án xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thứ hai với quy mô lớn đang được thiết kế với sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia Uỷ ban Kiến trúc và xây dựng Moscow, Liên bang Nga. Theo phương án thiết kế 1, bảo tàng có diện tích sử dụng 6,5ha, có phòng chiếu phim 250 chỗ ngồi, phòng trưng bày hiện vật; khu vực tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ bằng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Khuôn viên bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày ngoài trời các phương tiện máy bay, xe tăng...
Hiện nay Điện Biên đã có Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ngay tại trung tâm thành phố, đối diện với Nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1. Bảo tàng này được xây dựng năm 1984 nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm 5 khu trưng bày với gần 300 hiện vật và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật.
Giờ mở cửa:
Sáng: 7:00 đến 11:00
Chiều: 13:30 đến 17:00
Giá vé:
Có 5 địa điểm tham quan tại bảo tàng.
Với 1 địa điểm, giá vé: 5.000đ/người.
7. CẦU MƯỜNG THANH
Cầu Mường Thanh quân Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m.
Cầu Mường Thanh là cầu tiến quân lịch sử, là di tích đã được tôn tạo bảo vệ phục vụ khách tham quan du lịch. Trải qua 60 năm, cầu Mường Thanh vẫn được giữ nguyên gốc như khi mới khởi dựng và mãi mãi là cây “cầu tiến quân lịch sử”. Cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đúng 8h sáng ngày 7/5/1954, 34 chiến sĩ Đại đội 360 bắt đầu đánh chiếm cầu Mường Thanh, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Hoả lực của pháo binh DKZ 57 của ta kịp thời yểm trợ đoàn quân, vượt qua cầu Mường Thanh làm chủ chiến trường. 17 giờ ngày 7/5/1954, một mũi của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào chỉ huy sở của địch. 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, Tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Gần 1 vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm xin hàng, kết liễu số phận đội quân viễn chinh xâm lược.
Cầu Mường Thanh ngày nay yên bình bắc qua sông Nậm Rốn nối liền thời khắc lịch sử với hiện tại, thu hút nhiều khách du lịch thăm chiến trường xưa hay tìm hiểu về một Điện biên hào hùng. Cầu Mường Thanh là di tích đã được tôn tạo bảo vệ phục vụ khách tham quan du lịch. Trải qua 60 năm, cầu Mường Thanh vẫn được giữ nguyên gốc như khi mới khởi dựng và mãi mãi là cây “cầu tiến quân lịch sử”.