Nếu cánh đồng Mường Thanh gắn với truyền thuyết Ải Lậc Cậc, người khổng lồ đã có công khai phá, tạo dựng nên lòng chảo Điện Biên với cánh đồng rộng lớn, cho 2 vựa lúa xứ Mường Trời. Thì dòng Nậm Rốm là chứng nhân lịch sử ghi lại dấu ấn hào hùng của 2.000 thanh niên xung phong (TNXP) từ mọi miền Tổ quốc đi theo tiếng gọi của Bác Hồ lên vùng Tây Bắc xây dựng công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm. Lớp TNXP ngày ấy, giờ đây người còn, người mất... Cũng có người vĩnh viễn ở lại tuổi hai mươi..! Chính những con người ấy đã viết lên bản trường ca bi tráng, hào hùng...
7 NĂM SẺ ĐỒI, ĐẮP ĐẬP NGĂN SÔNG
- Tháng 5, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, gợi cho chúng tôi nhiều cảm xúc đặc biệt về ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nào.
- Dòng Nậm Rốm vẫn cuộn chảy, chất chứa cả một nguồn năng lượng cho sự hồi sinh vùng đất chiến tranh, bắt nguồn từ phía Bắc lòng chảo Điện Biên, chảy sang nước bạn Lào, hòa vào dòng Mê Kông rồi xuôi về biển cả.
- Năm 1963, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960 - 1965. Dòng Nậm Rốm cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vui mừng, khôn xiết đón 2.000 TNXP từ mọi miền đất nước về xây dựng công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm.
- Người TNXP tên Nguyễn Ngọc Ơn của những thập niên 60 giờ tóc đã pha sương, trong ngôi nhà khang trang thuộc tổ dân phố 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, ông bùi ngùi nhớ lại quá vãng xa xôi, kể cho chúng tôi nghe những năm tháng hào hùng ông cùng 2.000 TNXP xẻ đồi, đắp đập làm nên Đại Thủy nông Nậm Rốm bây giờ.
- Cầu C9 treo ngang qua dòng Nậm Rốm dẫn chúng tôi đến UBND xã Thanh Yên (một xã thuộc vùng lòng chảo của huyện Điện Biên). Đứng trên cầu nhìn xuống, những bãi bồi của dòng Nậm Rốm rộng mênh mông xanh mướt những ruộng ngô. Cả bãi bồi của xã Thanh Yên có khoảng 46ha diện tích đất màu ven sông. Và chính những diện tích đất màu đó đã góp phần tạo nên sản lượng lương thực đáng kể cho đồng bào Thái, Lào suốt từ nhiều năm qua.
- Gia đình chị Lò Thị Hoàn, Đội 3, xã Thanh Yên, nhà chị có trên 2.500m2 diện tích đất màu ven sông. Gia đình chị chuyên canh trồng ngô 1 vụ và luân canh trồng củ đậu. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lợi từ việc bán củ đậu được khoảng 70 triệu đồng/vụ, chưa kể trồng ngô. Nhờ canh tác trên diện tích đó, kinh tế gia đình chị đỡ vất vả hơn, nuôi được 2 con theo học đại học.
- Ngừng giây lát, ông Ơn xoa trán rồi bất giác ngẩng cao đầu, mái tóc bạc phơ giọng kể khơi khơi: “Những ngày đầu thi công, các đơn vị phải dồn hết sức lực và trí tuệ để xây dựng thành công đập đầu mối, ngăn dòng nước chảy siết của dòng Nậm Rốm dẫn nước vào kênh chính. Chúng tôi xác định đây là việc khó khăn và nhiều nguy hiểm nhất. Theo thiết kế, đập tràn cao gần 10m, dài 60m, do vậy chỗ nào cao thì phải dùng xẻng, cuốc đào đất phá đồi gánh đi đắp vào chỗ trũng. Cũng vì thế nhiều anh chị em đã bị thương trong khi thi công tuyến đập tràn này.
- Riêng một số địa điểm khối lượng lớn, Bộ Thủy lợi phải tăng cường thi công cơ giới; Công Trường giao thông 426... mang máy ủi vào trợ giúp. Không khí lao động trên công trường khi ấy rất nhộn nhịp. Ngoài ra, chỉ huy công trường còn phát động các đợt thi đua nâng cao năng suất lao động. Mỗi người làm việc bằng 2, bằng 3; phòng trào “vì đồng bào miền Nam ruột thịt” và phong trào 3 bù: bù ốm, bù mưa, bù phòng không khi máy bay Mỹ đánh phá...
- Cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, bà Bùi Thị Tèo – người rất đặc biệt với ông Ơn, vừa là đồng chí, đồng đội và cũng là người bạn đã nên duyên vợ chồng với ông trong những năm tháng gian khổ, gắn bó trên công trường thủy nông Nậm Rốm.
- Bà Tèo kể: Ngày 2/7/1965, đế quốc Mỹ ném bom Điện Biên Phủ. Nhiều cơ sở kinh tế quốc phòng, khu dân cư bị tàn phá nặng nề. Lực lượng lao động trên công trường được lệnh sơ tán vào rừng để tránh tổn thất rồi lấy đêm làm ngày đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến kênh tả dài 15,017km cùng một số công trình trọng điểm tuyến kênh hữu.
- Đêm đêm, những đôi tay, những đôi vai của các chàng trai, cô gái vẫn kĩu kịt từng sọt đá, vẫn nhịp nhàng nâng những chiếc đầm bê tông nặng 40kg, đầm nện đất, để hai tuyến kênh hình vòng cung mỗi ngày một dài thêm như hai cánh tay ôm trọn lấy cánh đồng Mường Thanh.
- Trong suốt gần 7 năm (1963 - 1969) xây dựng công trình, đập tràn bê tông dài 60m, cao 9,5m, rộng 11m. Tuyến kênh chính dài 823m, kênh tả dài 15,017km, tuyến kênh hữu dài 18,051km, 100km kênh cấp II, 95 cống đầu kênh cấp II dẫn nước vào đồng ruộng, cung cấp nước cho 2.988,15ha diện tích vụ lúa chiêm xuân của cánh đồng Mường Thanh và 99,24ha diện tích ao hồ, 86,58ha diện tích hoa màu và 193,9ha diện tích cây vụ đông.
- Trong cuộc chiến đấu oanh liệt để dựng xây và bảo vệ công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm, nhiều TNXP đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ... Họ đã vĩnh viễn nằm lại cho cánh đồng Mường Thanh, để hôm nay hạt gạo Điện Biên thành danh với gạo tám Hải Hậu.
GẶP NGƯỜI GẦN 30 NĂM TÌNH NGUYỆN "GÁC MỘ" TNXP
- Chị Bảo, quê Nam Định, theo chồng lên Điện Biên từ những năm 1980. Chồng chị là anh Trần Hải Âu, bộ đội biên giới năm 1975 giờ đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng chị sống ở đây từ ngày nghe theo tiếng gọi của Đảng lên vùng Điện Biên công tác và sinh sống. Cơ duyên để chị có mặt tại mảnh đất này cũng như bao người Kinh miền xuôi lên đây làm việc và sinh sống.
- Tên đầy đủ của chị là Trần Thị Bảo, năm nay chị 54 tuổi, chị nguyên là công nhân của Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Ngôi nhà chị Bảo ở nằm ven đường, tại tổ dân phố 3, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Trong ký ức xa xôi của chị, 28 năm trở về trước, khi ấy chị còn rất trẻ. Vợ chồng chị dựng một căn nhà nhỏ, nơi ấy còn hoang vu và thưa người qua lại. Trước mặt ngôi nhà chị là nghĩa trang của hơn 700 liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, có hơn chục ngôi mộ của TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm. “Tôi nhớ quãng năm 1983, 1984 gì đó người ta quy tập 700 ngôi mộ ở đây lên đồi Tông Khao (nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao bây giờ - PV), thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Còn hơn chục ngôi mộ nghe đâu của TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm thì vẫn để lại.” - Chị Bảo kể.
- Chị tiếp: “Những năm tháng đó, các cháu còn nhỏ, gần khu mộ TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm có mảnh đất trống, tôi ra đó tăng gia để trồng rau nuôi lợn. Thấy cỏ mọc um tùm chẳng ai hương khói. Nhiều lúc nghĩ thấy thương những người nằm đó và thương cho cả người sống chưa tìm được thân nhân nên tôi phát cỏ dọn qua quýt… Rồi những ngày ông Công, ông Táo, ngày xá tội vong nhân, tôi cũng mua áo xống, mũ mã, đầy đủ... bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu áo quần hóa mã biếu họ. Chả biết có nhận được không nhưng thôi... gọi là có chút lòng thành, cô ạ!”
- Lặng im trong giây lát, chị Bảo xúc động: “Nhớ nhất là lần tôi đi cắt rau lợn ở cạnh suối, máy cuốc, máy xúc họ về làm đường đi vào khu nhà làm việc của Nông trường Quốc doanh... Tôi nhặt được 4 bọc, bó kỹ như 4 khúc giò, mỗi bọc đều được quấn trong chiếc vải mưa màu xanh cánh chả. Tôi về gọi chồng... Giở ra mới biết trong đó là hài cốt. Vợ chồng tôi lặng lẽ đưa về khu mộ của TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm chôn cùng. Lúc đó tôi cũng chẳng biết đó là hài cốt của ai, thấy thì chôn thôi... Mãi sau này tôi kể cho bác Trâm (hiện bác ấy mất rồi), bác Chính, bác Minh... về câu chuyện tôi tìm thấy 4 bộ hài cốt. Sau đó các bác ấy đào lên để quy tập thì đúng là đồng đội của các bác ấy thật, có bộ hài cốt còn nguyên chiếc cặp ba lá, chiếc lọ pyclin có ghi danh tính.
- Người TNXP năm xưa, ông Nguyễn Ngọc Ơn, giờ là Trưởng Ban liên lạc Cựu TNXP Nậm Rốm, tỉnh Điện Biên, bùi ngùi kể: Sau ngày khánh thành Công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm, chúng tôi đi tìm lại hài cốt đồng đội, may thay gặp vợ chồng chị Bảo, anh Âu kể lại câu chuyện đã thấy và cất bốc 4 hài cốt đưa về trông coi. Xác minh đúng là di cốt đồng đội mình, chúng tôi đã đưa về nơi an nghỉ với những đồng đội khác. Từ đó đến nay, chị Bảo vẫn là người lặng lẽ, âm thầm chăm sóc chu đáo từng “ngôi nhà”, nhang khói đầy đủ cho các đồng đội của chúng tôi.
- Hiện nay, tại khu nghĩa trang có diện tích khiêm tốn 372m2, là nơi an nghỉ của 18 TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm. Có người đã được thân nhân đón về quê, có người vẫn chưa tìm thấy hài cốt, nghĩa là trong 18 ngôi mộ ấy vẫn còn 4 ngôi mộ không có cốt.
- Chúng tôi không biết gọi đó là nghĩa trang gì, vì không có biển nên mạo muội gọi đó là Nghĩa trang TNXP Đại Thủy nông Nậm Rốm... Cái tên gắn liền với cả ký ức hào hùng của người đang sống và cả những người đã khuất. Nghe chị Bảo kể thì từ tháng 10/2017 chị được Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Điện Biên trả lương trông coi nghĩa trang mỗi tháng 600 nghìn đồng và tất cả những người nằm trong nghĩa trang ấy đều được Tổ quốc ghi công, liệt sĩ.
Sau nhiều ngày lang thang trên đất Điện Biên, chúng tôi được gặp những con người làm nên kỳ tích… và cả những con người rất đỗi bình dị, thân thương nhưng cháy trong huyết quản họ là tình yêu mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Họ lặng thầm góp sức nhỏ nhoi xây dựng một Điện Biên giàu truyền thống cách mạng, thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và cả những người đảng viên kiên trung chân chính đã và đang góp công, góp sức vì một Điện Biên Phủ giàu đẹp tương lai.